Bấm huyệt thập chỉ đạo

Sinh năm 1917, theo cách tính tuổi truyền thống, năm nay Lương y Huỳnh Thị Lịch đã 87 tuổi. Hành nghề từ thời chế độ Sài Gòn cũ đến nay, không ít lần vì sự đố kỵ của một số người theo tây y, sự áp đặt của cơ chế, sự cạnh tranh ác ý của một số cá nhân và cơ sở điều trị khác, bà đã không được yên ổn hành nghề, thậm chí đã phải phiêu bạt khắp nơi. Nhưng ý chí sống cống hiến của bà không tắt, dòng chảy Thập chỉ đạo không hề vơi cạn. Chỉ, theo một nghĩa của tiếng Hán, nghĩa là ngón tay, ngón chân. Mười đường kinh đi từ 10 đầu ngón tay, ngón chân là cơ sở cốt lõi của phương pháp Thập chỉ đạo. Để góp phần hoá giải những băn khoăn, vén bức màn tưởng chừng huyền bí quanh việc chữa bệnh từ xưa đến nay của bà, xin mời bạn đọc dõi theo phần nói về những bí quyết của phương pháp Thập chỉ đạo này.

Theo bác sĩ Hồ Kiên, cho tới nay, chưa tìm được tài liệu nào chính thức xác nhận cơ sở lý luận của nó. Khoảng năm 1973, một học trò của bà Lịch là tu sĩ Hoàng Tam khi đó còn sống đã cố gắng giúp bà Lịch đúc kết từng kinh nghiệm chữa bệnh của bà và phác họa ra mười đường kinh của phương pháp Thập chỉ đạo. Anh làm việc đó với sự trực tiếp tham gia ý kiến của bà và được ghi lại trong tài liệu chép tay. Ngay lúc đó, anh Tam cũng đã nghĩ rằng việc bấm huyệt nhẹ nhàng theo tần số nhất định, sẽ tạo ra những xung động hưng phấn đối với các dây thần kinh, các Synac thần kinh sẽ có thể hoạt hoá trở lại nhờ ở sự kích thích tiết ra các chất hoá học trung gian dẫn truyền xung động các Synac đó. Theo bà Lịch và anh Tam, 10 đường kinh đi từ đầu 10 ngón tay, ngón chân gọi là 10 đường kinh của Tam Tinh (mặt, bụng, ngón) và Ngũ Bội (mặt lưng, có móng của ngón tay, chân).

I. Ngũ bội, tam tinh tay:

- Ngón 1 (cái): Từ đầu ngón theo động mạch quay lên khuỷu tay nách, từ nách chia làm hai nhánh: nhánh thanh quản, vùng mặt và nhánh xuống vùng ngực.

- Ngón 2 (trỏ): Từ ngón trỏ lên cổ tay, ra mặt ngoài cánh tay, lên hố xương đòn và cổ.

- Ngón 3 (giữa): Từ ngón giữa, mặt ngoài cánh tay, qua nách vào ngực, hướng vào tim.

- Ngón 4 (nhẫn): Từ ngón áp út dọc giữa cẳng tay, qua khuỷu tay lên vai, cổ, mặt và não bộ.

- Ngón 5 (út): Từ ngón út dọc cánh tay vòng qua sau vai, thẳng lên gáy, dọc qua tay lên đầu.

II. Ngũ bội, tam tinh chân:

- Ngón 1 (cái): Từ ngón cái tới trước mắt cá trong, lên đùi, bộ phận sinh dục, lên vùng ngực, qua miệng, mũi, mắt.

- Ngón 2 (trỏ): Từ ngón 2 đi dọc bàn chân, lên đầu gối cạnh sườn, cột sống lưng, chia làm hai nhánh: Một nhánh vào háng, bộ phận sinh dục, phân bố ở bụng, lên cổ, mép miệng, xương gò má, mũi và vùng ở trước tai. Một nhánh từ háng sang chân bên kia.

- Ngón 3 (giữa): Từ ngón giữa tới mu bàn chân, đầu gối, đùi, bụng, lên ngực, qua hoành cách mô, hướng về tim.

- Ngón 4 (áp út): Từ ngón áp út tới mắt cá ngoài, đầu gối, háng, qua mặt tiếp đùi, qua xương cùng, lên cạnh sườn, vùng vú nách, lên tai, trán, đỉnh đầu, xuống hàm lại lên má cạnh mũi, tới đây có một nhánh về đôi mắt.

- Ngón 5 (út): Từ ngón út tới mắt cá ngoài lên đầu gối, qua phần ngoài cẳng chân, lên mông, dọc cột sống, chia thành 2 nhánh: nhánh vào lưỡi và nhánh lên đỉnh đầu, qua mặt, mũi, gò má mắt.

Căn cứ theo đường kinh này, có thể giúp chúng ta ghi nhớ được một số công năng của các huyệt tam tinh, ngũ bội, biết những vùng đường kinh đi qua và chữa được bệnh gì. Vạch ra các đường kinh này, các tác giả đã dựa vào hiện tượng giật cơ, thường được gọi là các ven lên hay hướng tê tức. Những đường kinh này chưa được hoàn chỉnh chặt chẽ, tương tự như một cung phản xạ của thần kinh, hoặc sự khép kín thành một vòng tuần hoàn trong 14 đường kinh châm cứu, nhưng không thể vội vàng bác bỏ mà phải bình tĩnh học hỏi và suy xét thêm. Thập chỉ đạo không sử dụng các huyệt châm cứu thông thường. Dùng kiến thức tây y thuần tuý cũng khó giải thích nhiều trường hợp điều trị của Thập chỉ đạo, như điều trị chứng suyễn, cao huyết áp, mất ngủ... Nhưng thực tế điều trị nhiều năm, nhiều bệnh nhân và hiệu quả cao cộng với đặc điểm truyền nghề của y học truyền thống khiến chúng ta phải thừa kế trân trọng đối với những thói quen, nguyên tắc và quy trình của Lương y Huỳnh Thị Lịch.

Về mặt chẩn đoán, khi tiếp xúc và khám bệnh cho bệnh nhân, bà quan tâm trước tiên tới chứng bệnh mà bệnh nhân cảm thấy như động kinh, nhức đầu, câm, điếc, suyễn, bại liệt... Bà không chẩn đoán các hội chứng thần kinh kiểu y học hiện đại, như Tabét, Páckinsơn, liệt rung... Tiếp theo, bà bắt mạch và nhiều khi sau bắt mạch, bà ngẫm nghĩ và nói về bệnh của bệnh nhân nhưng không theo quy tắc của chẩn mạch đông y (phù, trầm, trì, sát ở vị trí Xích, Quan, Thốn...). Bà bắt mạch với hai tác dụng: Một là, căn cứ vào trạng thái của mạch như nhanh chậm, trương lực của mạch, dáng đi của sóng mạch... kết hợp với nhận xét trạng thái bên ngoài của sức khoẻ bệnh nhân như niêm mạc mắt, rêu lưỡi, màu da, vết quầng mắt... Nghĩa là cùng thực hiện vọng, văn, vấn, thiết của đông y ở mức độ nào đó để đánh giá thể trạng bệnh nhân, từ đó quyết định: nếu yếu hoặc bệnh không quen chữa thì không nhận trị, nếu mạch khoẻ, bấm không sợ ngất xỉu, bà sẽ nhận chữa. Hai là, khi bấm huyệt, vừa bấm vừa theo dõi mạch xem tác dụng của bấm có chuyển biến sắc mặt không, từ đó điều chỉnh cường độ và trường độ bấm huyệt.

Sự độc đáo trong cách chẩn đoán của bà là nhận xét rất tinh vi tỉ mỉ, có khi đến bất ngờ, về những dị dạng thay đổi vị trí của hệ tĩnh mạch đến độ căng chùng của các gân cơ mà bà gọi chung là ven. Tây y thường chỉ để ý đếm tần số mạch nhanh chậm hoặc sắc mạch, có đôi khi để ý đến tình trạng của hệ tĩnh mạch. Đông y có dựa vào tĩnh mạch ở ngón tay để chẩn đoán bệnh trẻ con (chỉ văn), nhưng cũng không sử dụng rộng rãi như bà Lịch.

Dựa vào vị trí di lệch của ven (so sánh hai bên và so sánh với người lành, nhất là những tĩnh mạch lớn), các hình dạng của tĩnh mạch nhỏ (như hình móc câu, hình giun, hình sóng), tình trạng dẫn tĩnh mạch do ứ đọng máu... để suy ra vùng tổn thương ở chỗ bà không nhìn thấy. Bệnh nhân không cởi quần áo, nhưng nhiều khi bà gọi đúng vị trí nơi tổn thương, tình trạng không cân đối của các nhóm cơ. Tình trạng căng cứng của các gân cơ là những căn cứ để chẩn đoán và theo dõi kết quả của bà ngay sau lúc bấm huyệt hay sau một liệu trình điều trị có kết hợp với tình trạng phát triển của các cơ liệt bị teo, cũng như mức độ phục hồi của chức năng vận động để đánh giá. Khi khám bệnh, bà thường chỉ cho học viên và reo lên: Đấy, đấy, ven nó lên rồi đấy. Hoặc: Hai ven này đè lên nhau, bao giờ nó tách ra thì bệnh khỏi. Tình trạng máu bị ứ lại làm tĩnh mạch phồng lên, co bóp và giật được bà gọi là ven lên và xẹp đi sau khi bấm huyệt làm chuyển động các cơ teo liệt, do đó máu bị dồn đi là dấu hiệu quan trọng để đánh giá kết quả và tiên lượng khả năng chữa khỏi bệnh.

Về phương pháp chữa bệnh, bà Lịch có nhiều nét độc đáo.

Sau khi chẩn đoán bệnh, bà thường có 2 thái độ xử lý: Nếu đó là chứng bệnh đã quen thuộc (cao huyết áp, suyễn, bướu cổ...), bà bấm huyệt ngay theo phác đồ đã thành quy trình nhất định. Nếu là bệnh ít gặp, hơi khó, bà suy nghĩ rồi đi đến kế hoạch phối huyệt để chữa bệnh. Bà chủ yếu dựa vào lý luận dẫn máu, dồn máu xuống, đưa máu lên. Rồi dùng thủ thuật bấm huyệt day, xoa, nắn cho khối cơ di chuyển để dẫn máu xuống chỗ trũng, làm giảm máu chỗ lồi, chỗ sưng cứng. Nét độc đáo ở chỗ bà bấm từ đầu ngón chân, ngón tay cho các cơ di chuyển, co giật nhằm mục đích đẩy máu, không đơn thuần dựa vào day bấm xoa bóp tại chỗ đau. Đây là một điều khó, nhưng có hiệu quả tốt. Đôi khi, bà dùng thước dây đo lại vùng cương tụ máu ở chi khi bấm huyệt dẫn máu thoát đi để xác định lại kích thước.

Trước khi bấm huyệt chính thức, nguyên tắc bắt buộc đối với y sinh Thập chỉ đạo là phải khai thông huyệt đạo cho bệnh nhân. Khai thông huyệt đạo nhiều hay ít là do sức khoẻ bệnh nhân. Về thực chất, đó là sự khởi động cho các cơ tê liệt ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, được chuẩn bị để đi vào chịu sự bấm huyệt mạnh hơn, tránh bấm mạnh đột ngột gây nên phản xạ đột biến co cứng cơ, đau đớn bệnh nhân, làm tổn thương thêm các cơ bị liệt. Khai thông huyệt đạo vừa mức và được điều chỉnh bằng bắt mạch để dò biết tình trạng cơ thể có sẵn sàng đáp ứng phản xạ hay không. Bà thường dặn dò: Nếu tăng xông thấp phải đưa lên, nếu tăng xông cao phải đưa xuống cho vừa mới bấm huyệt chính, không thế là bệnh nhân xỉu liền.

Khi bấm huyệt, tay y sinh bao giờ cũng ở tư thế khoá huyệt đối với bệnh nhân. Đây là một nét rất độc đáo của môn này. Có 4 loại khoá chính: khoá hổ khẩu ở cổ tay, khoá khô khốc ở cổ chân, khoá cơ bản ở ngón tay, khoá bí huyền ở đầu gối. Khoá có tác dụng thứ nhất là hãm phanh, chỉ cho các cơ co giật vừa phải với thể lực bệnh nhân, tác dụng thứ hai là giúp kích thích phản xạ như thể những ngón tay bấm nốt đàn, còn tay bấm huyệt như tay gẩy dây đàn.

Nét độc đáo của Thập chỉ đạo còn ở tính nguyên tắc về việc sử dụng các huyệt hồi sinh. Có rất nhiều huyệt được gọi là huyệt hồi sinh, chính là những huyệt trợ sức, tăng cường sức chịu đựng và có tác dụng cấp cứu tốt khi có rối loạn huyết động học. Những huyệt hồi sinh bắt nguồn từ những huyệt dưỡng sinh của người thầy Ấn Độ đã dạy bà trước đây. Đôi khi, người bệnh yếu quá, bấm huyệt hồi sinh không đủ, chuyển sang bấm huyệt chính, bà thường sử dụng một thủ pháp độc đáo khác mà gọi là biến điện. Biến điện là một thủ pháp dùng ngón cái bấm hoặc day đi trên một số huyệt vị nhất định trong một thời gian nhất định, với tâm niệm hết sức tập trung - Hãy truyền cho người bệnh sinh lực của mình, hãy cứu họ! Bà gọi là vận nội công. Sau khi làm thế, quả thật mạch đập của bệnh nhân có khá hơn. Y sinh chỉ được phép sử dụng thủ pháp biến điện khi thấy mình thực sự khoẻ mạnh. Chỉ với những động tác bấm rất nhẹ nhàng, như múa, các cơ tê liệt giật rất nhẹ, nhưng bệnh nhân đã ra mồ hôi hoặc nóng bừng, mặt đỏ như vừa qua một vận động quá tải. Sự nhẹ nhàng ấy đòi hỏi y sinh phải điêu luyện về thủ pháp day bấm. Bà kể: Tôi phải học 12 năm cách bấm đó. Cốt bấm trúng huyệt, không dùng sức mạnh làm đau bệnh nhân. Phải bấm đúng như bấm nốt đàn, bấm mạnh mà sai thì vô ích.

Không hề giấu nghề, Lương y Huỳnh Thị Lịch luôn mong có những học trò tâm huyết để học hỏi, thừa kế phương pháp Thập chỉ đạo này để trị bệnh cứu người. Bà có 4 yêu cầu chủ yếu đối với các y sinh:

1. Thương yêu vô hạn đối với bệnh nhân, đặc biệt là đối với trẻ em và những người tật nguyền, khốn khổ.
2. Say sưa tìm tòi trong nghề nghiệp.
3. Giữ cho mình một tâm hồn, đạo đức trong sạch, một sức khoẻ tốt, không làm tiền bệnh nhân.
4. Chú ý rèn luyện những ngón tay bấm huyệt, không phải bằng sức mạnh ngón tay mà với tất cả nội khí của toàn thân mình...

19.09.2015
Просмотров (991)


Зарегистрированный
Анонимно