Điều chỉnh Hạ huyết áp
Bài giảng THẬP CHỈ ĐẠO TCLT - Điều chỉnh Hạ huyết áp
Bài giảng THẬP CHỈ LIÊN TÂM - Điều chỉnh Hạ huyết áp - Giảng viên Dư Quang Châu
Trung tâm Cảm xạ Địa sinh học - Đại học Quốc tế Hồng Bàng
CHỨNG HUYẾT ÁP CAO
Bệnh tăng huyết áp nguyên phát là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Các bạn biết huyết áp liên hệ đến sức co bóp cơ tim, lượng máu trong lòng mạch và sức cản của hệ động mạch.
Ở người già, hệ thống mạch máu không còn mềm dẻo. Chúng trở nên cứng lại do tuổi tác, do những mảng xơ vữa bám trong thành động mạch.
Những điểm mà các bác sĩ thường nhắc nhở trong chế độ ăn uống là: không hút thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia, dùng chất béo có nguồn gốc động vật thật ít, ăn nhiều rau trái cây, không nên ăn mặn.
VỀ KIÊNG MẶN: đồ ăn có vị mặn, không phải là ăn mặn trong nghĩa chay mặn…
Ăn mặn giữ muối nước gây phù, cao huyết áp.
Tất cả món dưa, cải được ngâm trong môi trường nước muối đều cứng lại. Đó là một thực tế hiển nhiên. Giống như vậy, nếu các bạn có thói quen ăn mặn, hay chấm thêm các loại nước chấm thì máu chúng ta có độ mặn cao (nồng độ Na trong máu cao). Lâu ngày thành mạch máu bị cứng lại. Mạch máu không còn giãn ra và co lại tốt nữa. Điều này làm tim phải đập mạnh hơn để đủ đưa máu đến nuôi được cơ thể. Thêm vào đó là sức cản ngoại biên tăng lên do hệ thống mạch máu bị cứng lại. Từ đó huyết áp tăng lên. Vì thế các bạn nên thay đổi thói quen ăn uống. Thức ăn nấu, chiên, xào, luộc, kho… nên nêm lạt, và khi ăn cố gắng không chấm hoặc chấm rất ít. Nhiều người khi được bác sĩ khuyên không nên ăn mặn thì hiểu lầm và cho bác sĩ biết tôi ăn chay nhiều năm rồi. Nhưng xin các bạn nhớ cho “ không ăn mặn” là có thể ăn thịt, cá, tôm, tép, sò, mực… nhưng khi nấu ăn nên nêm (có thể dùng nước mắm, muối, nước tương…) lạt và khi ăn thì không được chấm thêm nước mắm, muối, nước tương… Chế độ ăn lạt sẽ giúp hệ thống mạch máu của các bạn chậm lão hóa, giúp sự mềm dẻo, co giãn tốt trong thời gian dài hơn, và huyết áp của bạn ít nguy cơ bị cao.
VỀ BIA RƯỢU: hầu hết những bệnh nhân nam tuổi từ ba mươi đến bốn mươi tuổi khi đến khám bệnh phát hiện có chỉ số huyết áp cao (> 140/90mmHg ) đều có một nguyên nhân. Như các bạn đã biết huyết áp động mạch của một người phần lớn tùy vào sức co bóp của cơ tim, lượng máu trong lòng mạch máu và sức cản trở của thành mạch.
Khi người bệnh uống bia lâu ngày có hai chuyện xảy ra là tăng sức co bóp của cơ tim, và tăng dung tích máu trong hệ thống mạch. Do đó huyết áp một người uống bia thường có khuynh hướng cao. Ngoài bệnh cao huyết áp, người thường xuyên uống bia cũng nên đi khám bệnh, kiểm tra các xét nghiệm về đường máu, lipid máu (Cholesterol và Triglycerid ), men gan và đừng quên xét nghiệm acid Uric trong máu để phát hiện một loại bệnh khớp hay gặp ở những người uống bia, rượu là bệnh Gout.
VỀ TUỔI TÁC: Những người trên ba mươi lăm tuổi cần phải kiểm tra huyết áp
Thường là bệnh tăng huyết áp vô căn được phát hiện một cách tình cờ. Hoặc chưa kịp phát hiện thì người bệnh đã bị tai biến mạch máu não. Thông thường hay gọi là “ Trúng gió”. Thỉnh thoảng các bạn cũng có nghe ông hoặc bà nào trong xóm rất khỏe mạnh, đột nhiên bị trúng gió, liệt nửa người hoặc á khẩu chở đi bệnh viện rồi chết…
Bệnh tăng huyết áp vô căn hay tiên phát là bệnh của người lớn tuổi. Khi đó toàn bộ hệ thống mạch máu lão hóa, sức cản ngọai vi trở nên lớn hơn, tim phải hoạt động nhiều hơn. Từ đó chỉ số huyết áp động mạch cao lên. Do đó, những người từ ba mươi lăm tuổi nên chủ động đi khám bệnh để kiểm tra huyết áp. Nhất là những người nam giới ở độ tuổi này có uống bia thì càng phải thực hiện sớm.
Hoặc là người trước ba mươi tuổi có cha mẹ bị cao huyết áp cũng nên kiểm tra huyết áp. Sau lẩn đo huyết áp đầu tiên, nếu chỉ số huyết áp bình thường, thì cứ mỗi vài tháng cũng tiếp tục kiểm tra huyết áp. Chúng ta phải chủ động đi khám bệnh, đo huyết áp để phát hiện bệnh sớm, điều trị tốt và quan trọng nhất là để phòng được tình trạng “ trúng gió” do nguyên nhân tai biến mạch máu não.
Nhiều bệnh nhân đi khám viêm họng, viêm phế quản… đo huyết áp có chỉ số huyết áp khoảng 180/100mmHg. Được hỏi có uống thuốc huyết áp mỗi ngày không thì họ nói: “Không, tôi thấy khỏe lắm, có tới 200/100mmHg mà thấy có sao đâu!”.
Trên thực tế dù bệnh viêm họng gây sốt, nghẹt mũi, đau họng, nhức mỏi khắp người so với bệnh tăng huyết áp thì chẳng thấy triệu chứng gì nhưng việc điều trị trọng tâm vẫn phải là điều trị bệnh tăng huyết áp. Viêm họng dù có vẻ có nhiều triệu chứng rầm rộ nhưng không thể gây liệt nửa người hoặc tử vong, trong khi tăng huyết áp thì có thể.
Chúng ta hãy cầm một cái bong bóng và đổ thật đầy nước vào, sẽ thấy bong bóng căng to chực vỡ. Khi tăng huyết áp, hệ thống mạch máu trên não chúng ta cũng tương tự như vậy, chúng căng lên. Chỉ số huyết áp càng cao thì mức độ căng càng trầm trọng hơn. Chỉ cần một lúc nào đó, trong hệ thống mạch máu não, có chỗ nào suy yếu, mỏng manh sẽ vỡ ra, máu sẽ tràn vào não. Lúc đó nếu chữa cho thật “tốc hành ” thì cũng đã muộn.
Tai biến mạch máu não có thể gây yếu liệt nửa người, có thể nói ngọng, tay chân không cử động được theo ý muốn, hoặc nằm một chỗ, ăn uống vận động khó khăn… hoặc chết “bất đắc kỳ tử”.
Tình trạng tưởng rất khỏe mạnh ở người có chỉ số huyết áp rất cao, không thể nói người bị tăng huyết áp có sức chống đỡ tốt với bệnh. Cũng không nên tự hào là mình rất khỏe, cỡ huyết áp cao thế mà cũng chẳng ăn thua gì. Sở dĩ có tình trạng “bình thường ” như vậy vì một lý do đơn giản là người bệnh đã bị tăng huyết áp lâu rồi, cơ thể đã quen với số đo huyết áp cao rồi. Nhưng điều này rất nguy hiểm, vô cùng nguy hiểm.
Vì ở một người khi huyết áp hơi cao một chút đã thấy khó chịu, chóng mặt, nhức đầu thì còn biết để mà uống vài viên thuốc cho áp lực trong mạch máu giảm xuống, có thể “ngừa” tai biến mạch máu não. Đằng này, huyết áp cao mà lúc nào cũng thấy bình thường, như người đi với hổ mà cứ tưởng đi với con “ miêu miêu”!
Người lúc nào cũng có chỉ số huyết áp rất cao mà trong người vẫn thấy rất khỏe, rất bình thường giống như người đi với cọp lâu ngày và còn cảm thấy “bình an vô sự ” chẳng qua là cọp chưa ăn thịt mình vậy thôi.
Do đó khi biết bị bệnh tăng huyết áp, cần đi bác sĩ để được khám bệnh, được hướng dẩn cách ăn uống sinh hoạt và uống thuốc thường xuyên và tái khám theo lời dặn.
Có bệnh nhân tích cực hơn, đi khám bệnh, tuân theo lời chỉ dẫn về chế độ ăn, sinh hoạt, uống thuốc theo toa. Nhưng khi đo huyết áp ổn định, tưởng mình đã hết bệnh và tự động ngừng thuốc.
Nên nhớ khi đã có bệnh tăng huyết áp vô căn thì hầu như phải uống thuốc, điều trị suốt đời. Tùy tình trạng bệnh, lúc bác sĩ có thể cho bạn uống một thứ thuốc, uống phối hợp nhiều thứ, hoặc tăng hoặc giảm liều. Và không phải huyết áp rất cao mới xảy ra tai biến mạch máu não.
Trên thực tế có những bệnh nhân huyết áp chỉ 140/90mmHg mà vẫn bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người hoặc tử vong.
Hãy cẩn trọng, đừng giỡn ngươi với bệnh tăng huyết áp “tên sát thủ thầm lặng”!
HẬU TAI BIẾN
Thường xuyên có những bệnh nhân đã bị tai biến mạch máu não (bị tắc mạch hoặc bị vở mạch máu trong não) do cao huyết áp đi khám bệnh do tiêu chảy, viêm phế quản, đau cơ, nhức khớp… Họ đang bị liệt nửa người, miệng méo, phát âm không rõ. Huyết áp của bệnh nhân lúc này rất cao: 160/90mmHg có người đến 180/110mmHg hoặc cao hơn nữa. Nhưng bệnh nhân và người nhà chỉ muốn chữa những căn bệnh tiêu chảy, viêm phế quản, đau cơ, nhức khớp... chứ không quan tâm gì đến bệnh tăng huyết áp. Được hỏi có uống thuốc điều trị tăng huyết áp không thì học trả lời: “Không, ba tôi khỏe lắm, mỗi ngày đều có đi châm cứu…”. Người nhà cứ tưởng bệnh nhân tăng huyết áp khi bị tai biến chỉ bị một lần thôi, và lần bị tai biến vừa rồi nhờ vào châm cứu bệnh mới ổn định.
Xin thưa, người bị tai biến mạch máu não có thể bị một trong hai loại: đó là tắc mạch máu não và vỡ mạch máu não. Tắc mạch máu có thể do mảng xơ vữa trong lòng mạch, cộng thêm tình trạng co thắt mạch máu não. Trong trường hợp tắc mạch, người bệnh có thể bị liệt tạm thời và có thể hồi phục khi chỗ tắc được lưu thông. Còn vỡ mạch máu não là do áp lực trong lòng mạch máu tăng lên và thành mạch máu không chịu đựng nổi (như cái bong bóng của trẻ con bị vỡ ra do chứa quá nhiều nước vậy). Não giống như một bộ chỉ huy. Hư một phần nào của bộ chỉ huy thì sẽ ảnh hưởng đến một phần cơ thể có liên hệ. Thí dụ khi vỡ mạch máu não ở bán cầu đại não trái, máu sẽ tràn vào bán cầu não trái và gây liệt nửa người bên phải, thường gây câm, nói ngọng…
Xin các bạn chú ý như vậy, liệt tay chân do tai biến mạch máu não là do tổn thương (tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu ) trong não chứ không phải là bị tổn thương cơ bắp hoặc thần kinh ngoại vi. Do đó xoa bóp, day ấn huyệt, châm cứu không có tác dụng. Sự hồi phục có thể xảy ra khi yếu tay, chân, nửa người... do tắc mạch. Sự hồi phục này có thể theo thời gian và cũng không cần can thiệp, chỉ cần giữ huyết áp bình ổn, và cần giải quyết các bệnh liên quan như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Còn trường hợp liệt nửa người do vỡ các mạch máu não thì khó lòng hồi phục dù có được tích cực điều trị.
Rốt cuộc là gì? Khi có người nhà đã bị tai biến mạch máu não, xin các bạn chú ý thường xuyên đưa bệnh nhân đến khám bệnh, đo huyết áp, xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ để hướng dẩn, thuốc men, chế độ sinh hoạt để phòng ngừa tai biến mạch máu não có thể xảy ra tiếp tục. Đó là điều tiên quyết, quan trọng nhất, còn việc sau tai biến mà chỉ đi tập vật lý trị liệu, châm cứu, day bấm huyệt thì rất nguy hiểm.
Link video: