Lương y Huỳnh Thị Lịch
Bà là người sáng lập ra phương pháp Bấm huyệt Thập thủ đạo hay còn gọi là Thập chỉ đạo (Thập Chỉ Liên Tâm Pháp).
Suốt mấy chục năm làm nghề lương y, chuyên trị bấm huyệt theo phương pháp Thập chỉ đạo, bà đã điều trị cho hàng vạn bệnh nhân và đào tạo hàng nghìn học trò theo phương pháp này. Bà đã chữa dứt điểm hoặc tạo tiến triển tốt đối với nhiều loại bệnh, đặc biệt là 5 loại bệnh: câm, mù, bướu, liệt, suyễn… Lương y Huỳnh Thị Lịch được ca ngợi là "thần y" bấm huyệt chữa được rất nhiều bệnh cho mọi người.
Bà Huỳnh Thị Lịch tên thật là Trần Thị Kim Thanh (1927-2007), quê bà ở vùng Ý Yên,Nam Định. Theo bà, phương pháp này do cha nuôi, người Pakistan truyền dạy (phương pháp này đã được người Ai Cập cổ đại phổ biến trong các hình vẽ). Sau đó, với nhiều năm thực nghiệm đã giúp bà sáng tạo ra phương pháp bấm huyệt ngày càng độc đáo.
Ngay từ nhỏ, cô bé Thanh đã gặp cảnh éo le. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai, người thân đói khát, bỏ làng bỏ xứ đi cả. Bé Thanh bơ vơ, không ai nuôi dưỡng. Chỉ nghe kể rằng, làm công nhân cao su sẽ có miếng ăn, cô bé Thanh 11 tuổi, đã tìm đường vào Nam. Tuy nhiên, đồn điền cao su chẳng nhận cô bé đen nhẻm, còi cọc, Thanh đành tìm về Sài Gòn xin ăn.
Trong một lần đi xin ăn, Thanh đã gặp một võ sư người Bình Định, lập nghiệp ở Bình Dương, với một lò dạy võ nổi tiếng. Võ sư họ Huỳnh gốc Bình Định đem Trần Thị Kim Thanh về nuôi dưỡng. Thấy cô bé giúp việc có vẻ mê võ thuật, võ sư họ Huỳnh đã cho Thanh học võ sau giờ làm. Vị võ sư này đã hết sức ngạc nhiên bởi sự tiếp thu võ thuật rất tốt của Thanh, ông dạy đến đâu, Thanh học được đến đó.
Võ sư họ Huỳnh rất quý Thanh, đã nhận làm học trò, sau đó nhận con nuôi. Ông đã đổi lại tên cho con nuôi. Từ đó, Trần Thị Kim Thanh có tên là Huỳnh Thị Lịch, tức mang họ của vị võ sư. Chính vì được học võ thuật kỹ lưỡng nên bà hiểu rất rõ kinh lạc trên cơ thể người.
Sau khi rời võ đường của võ sư họ Huỳnh ở Bình Dương, bà tham gia công tác từ thiện của một đoàn bác sĩ người Pháp ở Sài Gòn. Bà được một bác sĩ Pháp nhận vào làm tại Bệnh viện Hỏa Xa.Năm 18 tuổi, Lịch gặp anh thanh niên tên Trần Văn Hải, người Củ Chi. Hai người yêu nhau, muốn xây dựng gia đình. Không được gia đình chấp nhận, ông Hải đã bỏ nhà ở riêng với người yêu. Ông Hải xin làm công nhân trong nhà máy sản xuất đèn. Hai người được cách mạng cảm hóa, nên đã theo Việt Minh, hoạt động bí mật trong lòng địch.
Năm 1948, ông Hải đã hy sinh anh dũng khi làm chiến sĩ quân báo, để lại 3 đứa con cho bà Lịch nuôi dưỡng. Không may thay, bi kịch liên tiếp xảy đến với người đàn bà bất hạnh này. Trong quá trình tiếp tục hoạt động cách mạng, lần lượt cô con gái 13 tuổi và 2 đứa con trai còn nhỏ xíu đã lần lượt qua đời.
Thảm kịch kinh hoàng khiến bà Lịch tưởng như không gượng dậy được. Bà về Sài Gòn, lang thang các con phố như người mất trí, miệng gọi tên con. Trong lúc đi lang thang, bà gặp lại vị bác sĩ người Pháp. Ông bác sĩ tốt bụng này đã đưa bà về nhà chăm sóc, điều trị. Để bà quên đi nỗi đau quá lớn, bác sĩ này đã đưa bà sang Pháp, giúp việc cho gia đình này.
Ở nhà vị bác sĩ người Pháp này một thời gian, bà quyết tâm chu du thiên hạ. Biết tiếng Pháp, lại chăm chỉ, nên bà dễ dàng kiếm được việc làm. Cứ có tiền, bà lại lên đường tìm đến vùng đất mới. Sau mấy năm lưu lạc, thì bà dạt tới tận biên giới Ấn Độ, giáp Pakistan. Tại đây, bà gặp một đạo sĩ, sống trong một ngôi chùa trong núi. Vị đạo sĩ này có khả năng bấm huyệt kỳ tài.
Hàng ngày, đạo sĩ bấm huyệt cho rất nhiều người. Bà Lịch vừa phụ giúp ông, vừa học tập cách bấm huyệt. Môn bấm huyệt của ông có tên là Thập thủ đạo, tức là phương pháp bấm huyệt dựa vào kinh mạch trên 10 ngón tay, chân. Ông đã giúp hàng ngàn người đang câm tự dưng bật ra tiếng nói, đang điếc bỗng nghe được, thậm chí đang chống nạng thì bỏ nạng, ngồi xe lăn thì đứng lên đi… Thấy môn bấm huyệt này rất thần thông, bà Lịch chuyên tâm học hỏi. Vừa học vừa thực hành, nên bà Lịch nắm bắt rất nhanh, có khả năng bấm huyệt trị được nhiều thứ bệnh.
Năm thứ 12, biết mình không sống được nữa, vị đạo sĩ này gọi bà Lịch đến răn dạy và trao lại tập tài liệu cho học trò. Ngay đêm hôm đó, vị đạo sĩ người Pakistan trút hơi thở cuối cùng. Chỉ một năm sau, vừa tự học, vừa trị bệnh, bà đã cũng đã trở thành thần y bấm huyệt nổi danh khắp vùng, là truyền nhân duy nhất của vị đạo sĩ bí ẩn được tôn xưng như thánh ở biên giới Ấn Độ. Luyện được công năng đặc dị của môn bấm huyệt Thập thủ đạo của vị đạo sĩ người Pakistan ẩn tu ở Ấn Độ, bà Huỳnh Thị Lịch tìm đường về nước. Từ đó, dù trải qua nhiều khó khăn, bà vẫn tiếp tục tìm tòi, chữa trị miễn phí cho người bệnh và dạy lại cho các học trò của mình. Những căn bệnh tưởng như vô phương cứu chữa đã được bà Lịch chữa khỏi. Vượt lên trong những thăng trầm, mười ngón tay của người chủ trì phương pháp Thập thủ đạo vẫn luôn lan toả dịu dàng và mãnh liệt. Sự lan tỏa từ một tâm thế vị tha sâu sắc của một người đàn bà đã hành trình suốt gần một trăm năm của một đời người.
Có thể nói, bà Huỳnh Thị Lịch là “thần y” bấm huyệt bí ẩn nhất Việt Namdo không tiếp xúc với giới truyền thông. Bà để lại di sản kiến thức bấm huyệt đồ sộ, nhưng gần như chưa được nghiên cứu, áp dụng môn bấm huyệt này rộng rãi, trị bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân.